Hiện nay các cơ quan nhà nước đang đẩy mạnh việc sử dụng các ứng dụng công nghệ thông tin trong việc quản lý các thủ tục hành chính. Việc triển khai, cung cấp các dịch vụ công trực tuyến tạo điều kiện thuận lợi, đáp ứng nhu cầu thực tế cho tổ chức, công dân trong việc thực hiện các thủ tục hành chính trên môi trường điện tử mọi lúc, mọi nơi tạo ra một phương thức giao dịch hiện đại, minh bạch giữa cơ quan Nhà nước và các tổ chức, cá nhân. Người dân có thể ngồi bất kỳ ở đâu với thiết bị máy tính hoặc điện thoại thông minh có kết nối internet để yêu cầu cung cấp dịch vụ, tra cứu thông tin, trao đổi thông tin, gửi ý kiến hài lòng …. cho các cơ quan nhà nước. Để hỗ trợ tiến trình này hiệu quả hơn, chúng tôi xây dựng các module hỗ trợ mô hình “một cửa điện tử” sử dụng tại các cơ quan nhà nước.
Các mô-đun hỗ trợ 1 cửa điện tử |
A - Mô hình “Một cửa điện tử” là gì?
Mô hình “một cửa điện tử” dựa trên nền tảng CNTT có những chức năng sau: (i) Tiếp nhận hồ sơ của tổ chức, cá nhân từ Bộ phận Một cửa tự động sinh mã số hồ sơ thủ tục hành chính để theo dõi việc xử lý hồ sơ, trả kết quả; (ii) Quản lý toàn bộ quá trình giải quyết đối với từng hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính trên cơ sở ghi nhận từng bước thực hiện của quá trình theo thời gian thực và lưu trữ thông tin lịch sử của việc giải quyết thủ tục hành chính; (iii) Đánh giá chất lượng giải quyết thủ tục hành chính trực tiếp theo kết quả tiếp nhận, giải quyết hồ sơ hoặc thông qua tích hợp thông tin từ Cổng Dịch vụ công; (iv) Cung cấp tình trạng giải quyết thủ tục hành chính để công khai theo quy định của pháp luật; (v) Quản lý việc thực hiện trách nhiệm giải trình cơ quan, cán bộ, công chức, viên chức khi nhận được ý kiến của các tổ chức, cá nhân; quản lý việc đánh giá sự hài lòng của tổ chức, cá nhân …. (theo quy định tại Chương III Thông tư số 02/2017/TT-VPCP)
Mô hình “Một cửa điện tử” được xây dựng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các cá nhân tổ chức có nhu cầu giải quyết các thủ tục hành chính một cách nhanh chóng trên môi trường internet. Mô hình có thể cung cấp thông tin trực tuyến về các thủ tục, tiếp nhận hồ sơ, cung cấp tình trạng hồ sơ trong quá trình xử lý. Người dân có thể thông qua mạng internet kiểm tra, giám sát về tình trạng giải quyết hồ sơ cũng như đánh giá mức độ hài lòng đối với cơ quan hoặc cá nhân thụ lý hồ sơ của họ.
Theo Điều 3 Nghị định số 43/2011/NĐ-CP ngày 13/06/2011 của Chính phủ quy định về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến thì có 4 mức độ dịch vụ công:
Mức độ 1 Là dịch vụ bảo đảm cung cấp đầy đủ các thông tin về thủ tục hành chính và các văn bản có liên quan quy định về thủ tục hành chính đó.
Mức độ 2 Là dịch vụ công trực tuyến mức độ 1 và cho phép người sử dụng tải về các mẫu văn bản và khai báo để hoàn thiện hồ sơ theo yêu cầu. Hồ sơ sau khi hoàn thiện được gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ.
Mức độ 3 Là dịch vụ công trực tuyến mức độ 2 và cho phép người sử dụng điền và gửi trực tuyến các mẫu văn bản đến cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ. Các giao dịch trong quá trình xử lý hồ sơ và cung cấp dịch vụ được thực hiện trên môi trường mạng. Việc thanh toán lệ phí (nếu có) và nhận kết quả được thực hiện trực tiếp tại cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ.
Mức độ 4 Là dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và cho phép người sử dụng thanh toán lệ phí (nếu có) được thực hiện trực tuyến. Việc trả kết quả có thể được thực hiện trực tuyến, gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến người sử dụng.
B - Ý nghĩa khi áp dụng mô hình “một cửa điện tử” ở xã-phường
Trong hệ thống chính quyền 4 cấp trung ương, tỉnh, huyện, xã thì cấp xã là nơi tiếp xúc trực tiếp với công dân và doanh nghiệp, cấp xã là nơi gần với người dân nhất và vì vậy nắm bắt nhanh nhất mọi yêu cầu, nguyện vọng và bức xúc của người dân. Chính vì thế, việc xây dựng mô hình "một cửa điện tử" ở cấp xã có ý nghĩa vô cùng quan trọng.
Khi không áp dụng CNTT trong quy trình tiếp nhận và xử lý hồ sơ, lãnh đạo nhận được thông tin chủ quan bởi người báo cáo khi thực hiện và thường thì hay bị thay đổi theo diễn tiến sự việc nên dẫn khó đánh giá mức độ tuân thủ quy trình. Khi áp dụng CNTT, lãnh đạo có thể xem trực tuyến trạng thái tiếp nhận, thụ lý giải quyết, những trở ngại, kết quả thụ lý, tình trạng hoàn trả hồ sơ một cách khách quan, mọi lúc, mọi nơi rất thuận tiện.
Trước đây, các công cụ bằng giấy tờ truyền thống đã hỗ trợ rất tốt cho các xã phường triển khai mô hình “một cửa điện tử” nhưng nếu có sự hỗ trợ tốt hơn của CNTT, mô hình sẽ thu được những kết quả lớn hơn nhiều. Nhận thức được vai trò quan trọng của áp dụng CNTT vào mô hình “một cửa điện tử”, chúng tôi đã xây dựng các module cụ thể để hỗ trợ cho mô hình “một cửa điện tử” trở nên dễ dàng và có hiệu quả tốt hơn.
C - Cơ sở để triển khai mô hình “hỗ trợ một cửa điện tử”
Mô hình “hỗ trợ một cửa điện tử” được xây dựng dựa trên các văn bản chính thức được trích dẫn dưới đây và hoàn toàn phù hợp với sự chỉ đạo của Chính phủ, các bộ ngành Trung ương và địa phương về cải cách hành chính. Ý tưởng chính của mô hình xoay quanh vấn đề 1 cửa liên thông, cung cấp dịch vụ công trực tuyến, công khai các thủ tục hành chính, đánh giá hài lòng của công dân với cán bộ công chức, dân chủ cơ sở. Để hỗ trợ thực hiện hiệu quả các chỉ đạo trên, chúng tôi xây dựng các module: tra cứu thủ tục hành chính trực tuyến, niêm yết công khai trực tuyến các thông tin thuộc thẩm quyền của đơn vị, module đánh giá mức độ hài lòng của người dân, module xếp hàng tự động, module hỗ trợ nộp và tra cứu hồ sơ trực tuyến, module phản ảnh trực tuyến … kết hợp với module tuyên truyền thông tin.
· Căn cứ Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23/4/2018 của Chính phủ về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính;
· Căn cứ Thông tư số 01/2018/TT-VPCP ngày 23/11/2018 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ hướng dẫn thi hành một số quy định của Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23/4/2018 của Chính phủ về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính;
· Theo quy định tại Khoản 4 Điều 3 Nghị định số 43/2011/NĐ-CP ngày 13/06/2011 của Chính phủ quy định về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến trên trang thông tin điện tử hoặc cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước thì:
· Căn cứ Nghị định số 92/2017/NĐ-CP và Thông tư số 02/2017/TT-VPCP là việc mở rộng hình thức công khai bắt buộc và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện công khai thủ tục hành chính.
· Căn cứ Quyết định số 2640/QĐ-BNV ngày 10/10/2017 của Bộ Nội vụ về Đề án đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước giai đoạn 2017-2020;
· Căn cứ Nghị định số 20/2008/NĐ-CP ngày 14/02/2008 của Chính phủ về tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính;
· Nghị định số 29/1998/NĐ-CP của Chính phủ : Về việc ban hành Quy chế thực hiện dân chủ ở xã và Nghị định 149/2018/NĐ-CP quy định chi tiết khoản 3 Điều 63 Bộ luật Lao động về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc
· Nghị định 04/2015/NĐ-CP ban hành ngày 09/01/2015: Về việc thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập và thông tư 01/2016/TT-BNV ngày 13/01/2016 của Bộ Nội vụ hướng dẫn một số nội dung của Nghị định 04/2015/NĐ-CP về việc thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập
· Nghị định số 29/2015/NĐ-CP ngày 15/3/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật công chứng
Trang 1 của 2